26 tháng 9, 2014

VÀI CHUYỆN


♥ Buổi sáng khi mắt còn lim dim thì tôi đã nghe tiếng róc rách của dòng suối ngoài ô cửa sổ, tiếng suối chảy như điệu nhạc thân thuộc gieo vào lòng tôi cảm giác êm đềm, không bao giờ nhàm chán.
Vươn người dậy, nhìn đàn cá đủ màu sắc ngoe nguẩy như rộn rã, tất bật lắm không ai bằng.
Bảo vệ con suối nhỏ những ngày mưa nắng dãi dầu là một cây Sanh mà rễ, thân của nó len lỏi, bám chặt vào đá sỏi lấm màu rong rêu.
Trên cây cầu bắt ngang qua con suối có hai bác đầu búi tóc, mặc áo vải màu nâu chàm đã sờn nhưng tươm tất và họ đang chơi cờ tướng. Hai bậc tiền bối toát lên phong thái trong vắt, có lẽ là hai vị cư sĩ sống ẩn dật, hàng ngày cùng nhau đàm đạo triết lý thâm thuý mà tôi chẳng bao giờ nghe được. Cảnh tượng ấy luôn gieo vào lòng tôi nét đượm buồn hoài cổ nhưng thanh thoát . Thi thoảng tôi ngửi được mùi lá mục trong ngóc ngách của những tảng đá bốc lên, giản dị.
Xa xa, có chú nai ngơ ngác mà tôi hay ngồi hàng giờ rồi đoán tâm trạng của chú theo tâm trạng của mình :) .
Đó là một hồ cá với hòn non bộ cùng khu suối thu nhỏ mà Ngoại đặc biệt làm trước cửa sổ phòng tôi. Tôi còn nhớ rõ lắm căn phòng của tôi lúc nào cũng căng tràn sức sống, tràn ngập ánh sáng kể cả những ngày mưa lâm râm. Mưa, tôi thích đi dạo trong vườn cây cảnh mượt mà, dịu dàng ôm lấy ngôi nhà gỗ, tôi như nghe được hoa lá thầm thì chuyện nhỏ to, những hạt mưa bụi khẽ khàng, ươn ướt mái tóc mềm...
Những năm tháng tôi rời xa, căn phòng vì được xây cất lâu năm nên đã hỏng hóc nhiều chỗ, căn gác lỡ nhỏ bằng gỗ cũ đã sụp chỉ còn lưu lại vài nét vẽ ngây thơ còn in trên tường và vài vật dụng lặt vặt thời học sinh...

♥ Tôi nhớ năm đầu tiên đại học, Ngoại cho tôi một chiếc cảm ứng hiệu Motorola, có chức năng 3G nữa nhưng chẳng biết thời đó có GPRS chưa chứ đừng nói tới 3G, nhiều bạn trong lớp còn chưa có điện thoại cơ. Tôi đang muốn mua một quyển nhật kí nhưng chưa tìm được tập nào ưng ý với lại cũng chẳng có thời gian để viết hằng ngày nên thôi tạm gác lại và hiện tại là tôi biết mình sắp xuất bản một cái entry ngớ ngẩn lắm. Quay lại cái Motorola, mặc dù không dùng được 3G nhưng khoái nhất là giao diện của nó, tôi thích cái giao diện tin nhắn mà tôi trao đổi cùng bạn bè khi tôi mít ướt khóc vì nhớ nhà, giờ tôi vẫn còn tiếc nuối khi nhớ lại. Ngoài ra nó có một cái đế sạc pin rất sang trọng, âm thanh nghe nhạc rất to, bass rất ấm và thanh. Thế nhưng, vào một buổi trưa, trời âm u, tan học, tôi bước ra khỏi cửa giảng đường, đi được 5 bước chạy quay lại hộc bàn để lấy điện thoại thì chẳng thấy đâu. Đó là điều hối tiếc nhất mỗi khi nghĩ về Ngoại.
Giờ đây lớp học gần trăm người, ai cũng lướt lướt, chạm chạm, chỉ có mình tôi là bấm bấm...cái mà gọi là : 'điện thoại cùi' ấy, cái điện thoại mà chẳng có công dụng như 99 cái điện thoại khác trong lớp, chỉ có mỗi cái trò chơi bắn bi mà tôi bắn mòn cả phím đến level max và chỉ hay chơi lại mỗi level 19 vì nó chưa max nhưng lại khó nhất, điện thoại mà chẳng có tính năng gì nổi trội đến nỗi tôi phải quyết tâm chơi level 19 trăm trận trăm thắng. Vì có lúc đang chơi thì người gọi, người nhắn tin làm mất tập trung hay đang buồn bã chuyện lặt vặt nào đó cũng lấy level 19 ra chơi nên cái quyết tâm đó chẳng bao giờ thành sự thật. Hiệu gì mà Sangsung E123 gì đó, lúc em gái gởi gắm cho tôi khi nó không dùng tới nữa nhưng với tôi cũng được coi là tạm ổn, có thẻ nhớ 1g có thể lưu bài tiếng tim bệnh lý, vài bản nhạc Jazz đôi lúc ê a giải sầu đồng thời rèn luyện ngoại ngữ bản xứ cho mình, có FM nghe vài câu chuyện tám dóc trên đó, đặc biệt hài lòng nhất là được cái 2 sim 2 sóng, đang cần một sóng nữa gọi cho 'người ta' đỡ tốn tiền vì lúc đó đã có 'người ta' rồi cơ đó. Nói đến đây là phải kể về Bà Ngoại, hôm tôi muốn xin Ngoại cái sony xperia ( lý do hôm bữa kiểm tra thấy chị Q lên mạng tra cả đống thứ...^^) thì Bà Ngoại dặn con gái nên dùng những gì an toàn cho mình, hỏi ra thì biết nguyên nhân tuy ở tuốt bển lận nhưng ngày nào cũng lôi mớ tin tức nào là thực phẩm nhiễm độc, cướp của hành hung. Nghe lời Ngoại lại tiếp tục theo đuổi level 19 trăm trận trăm thắng, nhưng được cái nó rơi tan tành bung pin, bung sim ra lần bao nhiêu cũng không còn nhớ rõ mà vẫn còn ngon ơ. Đôi lúc vào vài quán sang trọng chút, hay ngồi giữa đám đông lúc đầu rút ra cũng có chút chạnh lòng vì nhìn ai cũng lướt lướt mạng mùng, trao đổi tin tức này nọ nhưng rồi cũng chẳng tự ti gì đâu, Ba Mẹ cho tôi một cuộc đời đáng trân trọng, cho tôi hành trang để bước đi dù không bằng ai nhưng cũng chẳng thua kém ai đối với tôi như vậy có thể ngẩng đầu với thiên hạ được rồi. Tuần trước, cả ngày tìm E123 mà chẳng thấy đâu, hoá ra lại nằm trong thau giặt đồ.

♥ Tôi nhớ lúc nhỏ Ngoại hay nhờ tôi gãi lưng, mỗi lần tôi đều cào ra những miếng gì đó bong tróc khỏi người Ngoại. Ngoại nói đó là những mảnh đạn li ti còn sót lại, khi mùa mưa là cảm thấy ngứa, rồi tôi mới để ý cả chân, tay cũng đầy vết sẹo mổ. Ngoại kể cho tôi về thời trai trẻ của Ngoại, kể về hoàn cảnh, tư tưởng cùng với những thái cực khác nhau thời bấy giờ. Ngoại tôi học giỏi, giỏi nhiều lĩnh vực và có những suy nghĩ mà tôi không ngờ tới, có lẽ một phần là do chương trình giáo dục của Pháp mà lúc nhỏ Ngoại tôi học ở nhà Dòng nghiêm ngặt và rất tốt. Tôi ra Hà Nội, tôi gặp ông Hai, là cậu bà con của Ngoại nhưng ông sống ở Hà Nội năm 14 tuổi nên ông theo miền Bắc và ông đã về hưu lâu rồi với chức Đại tá. Nhìn ông, tôi lại nghĩ tới Ngoại, nếu phía Ngoại tôi không thất bại thì giờ chức vụ ông đang có chắc ngoại tôi còn hơn thế nữa và Ngoại có phải lìa quê hương thế không, thật hài quá. Tôi không hiểu chiến tranh lúc đó là gì, có thực sự phục vụ cho mục đích cao cả nào đó không, lúc đó nếu hai người máu mủ ruột rà gặp nhau trên chiến trường thì sẽ ra sao, chỉ biết giờ đây Ngoại và ông Hai vẫn thân thiết với nhau. Ngoại tôi chưa bao giờ ra Hà Nội và tôi luôn biết như đinh đóng cột là sẽ chẳng bao giờ đặt chân ra vì mặc dù vẫn chan hoà với tất cả nhưng Ngoại có những tư tưởng của riêng Ngoại và tôi luôn tôn trọng điều đó. Vậy mà, lúc lên skype nói chiện với ông Hai tôi nghe Ngoại nói hè tới có thể Ngoại ra Hà Nội, tôi hơi cảm động vì có lẽ cháu của Ngoại đã đặt chân và sống ở Hà Nội trong một thời gian, là vì tôi đó.

♥ Tôi nhớ Ngoại, sao tôi không qua sống cùng Ngoại ư ? Lúc nhỏ, tôi có một môi trường học tập và sống rất ấm áp dù đôi lúc tôi khóc thầm vì sợ Ngoại đau ốm không thể về thăm tôi. Có thể nói tôi luôn hài lòng với cuộc sống của mình, tôi có nhóm bạn rất thân, rất yêu thương lẫn nhau, tôi nghĩ chẳng có gì có thể chia cắt được chúng tôi, tình cảm ấy nói như ruột thịt cũng không phải, nói là tình bạn thì cũng không đúng, như một sự gắn kết đặc biệt nào đó để có thể khóc cho nhau, hạnh phúc cho nhau, sâu thẳm chẳng bến bờ. Lúc đó, tôi thật sự ghét cuộc sống ở nước ngoài, cảm giác chẳng có gì thuộc về mình khi sang đó nên đối với tôi việc xuất ngoại là một tương lai u ám. Thật lòng, giờ đây tôi thấy suy nghĩ lúc đó sao mà dại dột quá, có lẽ một suy nghĩ nào đó hoàn toàn đúng ở một thời điểm nhưng có thể là sai lầm lớn nhất ở một thời điểm khác. Có lẽ giờ đây tôi có đầy đủ khát vọng để sang đó, đặc biệt có thể săn sóc Ngoại về già. Thực sự tôi còn quá trẻ để giam hãm mình khi tôi có cơ hội, điều mà nhiều lúc trong lớp tôi nghe người ta bàn tán xôn xao mà chẳng được. Vậy mà lại chòng chành nửa ở, nửa đi. Dượng Dì tôi cũng dành một xuất du lịch cho tôi sang đó khi tôi tốt nghiệp nhưng tôi chưa muốn dùng và có thể chẳng bao giờ dùng tới, tôi muốn sang đó bằng đồng tiền mình kiếm được nhưng chẳng biết với đồng lương khi tôi xin vào bệnh viện nhà nước thì đến khi nào tôi mới mò sang tới nơi.

♥ Đã lâu lâu lắm rồi, tôi không xem bóng đá cùng Ngoại và dần dà chỉ còn xem các giải lớn. Một buổi tối, mấy người bạn rủ vào quán cafe, có nhỏ bạn hỏi: Vì sao người ta ghi là cafe K+, tôi trả lời : Nhà T mà bắt truyền hình K+ thì cũng có thể treo trước ngõ cái biển K+. Cũng tình cờ đêm đó, xem trận Việt Nam-Miama, thấy bất ngờ vì sự tiến bộ của các các chàng, thích nhất là Lương Xuân Trường, nhiều pha chuyền bóng hoàn hảo với kẽ đi bóng không ngờ tới.
Hôm sau đi siêu thị mua sữa, bình thường vẫn hay uống sữa không đường nhưng thấy gói Milo có hình cầu thủ với khuyến mãi cái li hình quả bóng nên chọn mua sữa Milo. Lương Xuân Trường và Milo, công nhận có liên quan gớm luôn.

♥ Ra đây vì công chiện không tiện đem nàng Vaio kề vai sát cánh bao năm nên thôi, thấy thế Ngoại cho chiếc Ipad, giờ thì lướt chạm này, mọi tài liệu rất rất nhiều có thể gói gọn trong tầm tay, được cái nữa mắt ít thâm hơn như khi ngồi trước laptop. Chỉ có điều muốn chèn bản nhạc vào blog mà tìm đoạn code trên nhaccuatui chẳng thấy đâu, với lại chẳng nghe được nhạc nền trên blog bạn bè, cái này được gọi là hơi bị ức chế.

♥ Mới đây mà cháu của Ngoại đã sắp có chồng được rồi đấy, đã muốn thử làm mascara rồi cơ đấy. Đi dự tiệc muốn trang điểm khác ngày thường chút nên nhờ nhỏ D trong Sài Gòn mua giúp bộ mascara gởi ra vì nghĩ nhỏ khéo tay hay làm những món handmade bán sỉ cho các cửa hàng và cũng có chút khiếu thẩm mĩ. Ai ngờ nhỏ đáp lại : Hôm bữa đi đám cưới bấm mi kiểu gì mà gãy luôn hàng lông mi luôn nè. Nghe sao nguy hiểm quá nên thôi, để mặc mộc đi dự tiệc vậy.

♥ Học riết rồi thấy mình như già nua đi lúc nào không hay. Tối qua, nằm nghĩ nếu mình làm kinh tế thì chắc cũng điệu đà, năng động hơn nhiều, vậy mà nhỏ D bên kinh tế lại muốn được học giống tôi. Tự nhiên cắt ngang dòng suy nghĩ rồi nhớ đến câu nói : Đối với nhà kinh doanh thì tiền vào túi đừng hòng mong lấy lại dù một đồng. Tôi chột dạ, ngậm ngùi nhớ tới câu chuyện liên quan về cái điện thoại mới mua của tôi vừa rồi, mà thôi, giờ mà kể tới sự tích cái điện thoại mới này thì tôi không biết mình đang lảm nhảm gì nữa.

♥ Một chút về tôi..

17 tháng 9, 2014

KÝ ỨC

Ngoài kia, những đợt mưa nhỏ cứ thế rủ nhau về mà không hẹn trước, lòng tôi lại chùng xuống rồi rơi tõm vào trong tiếng tí tách bên bậu cửa sổ. Không hiểu vì sao tôi hay nghĩ về kí ức của một thời xa cũ, những năm tháng ấy mải miết qua bao mùa mưa cùng những triền nước mắt mà tôi đã khóc đến ủ ê thân xác. Nỗi buồn ấy cứ trượt dài qua năm tháng rồi vơi dần đi và giờ nhớ đến chúng chỉ còn là những nốt thăng trầm của bản nhạc kí ức mà thôi.  Với tôi, bắt đầu chúng đã từng là những ngày tháng tinh khôi, êm đềm và có lẽ đó là mảnh kí ức chưa được hoàn thiện nên tôi vẫn hay nghĩ về như thế. Có người nói với tôi rằng cuộc đời là một vở kịch và mỗi người đều là một diễn viên nhưng có lẽ lúc đó ba chúng tôi đều là những diễn viên còn quá non trẻ nên chẳng thể nào hoàn thành vai diễn đến đoạn kết có hậu.


Tôi đã từng muốn quên khi chúng vỡ tan tành, muốn gạt đi những kỉ niệm đó nhưng rồi tôi cảm thấy khi một ai đó mất đi một phần kí ức thì họ sẽ không còn là chính họ nữa . Tôi thà chấp nhận sống cùng nỗi đắng cay chứ phủ nhận đi mọi thứ thì thật đáng sợ. Tôi và nỗi buồn cứ thế mà cùng nhau bước qua.


Khi mọi điều trôi qua, nhìn lại bỗng chốc đã hoá hư ảo mù sương, mọi thứ dù có tốt đẹp nhất, đau khổ nhất, tiếc nuối nhất cũng đã tan biến từ thuở nào. Chỉ còn tôi ngồi đây, lục lọi cuốn nhật kí nằm cheo veo trên gác sách, một giọt mưa đâu đó từ bậu cửa len lỏi vào rơi lên nhánh bông súng tím đã nhuốm màu thời gian vẫn còn đó trên trang giấy. Kí ức ấy trước kia quả thật là vô cùng khó khăn nhưng có lẽ nó luôn đẹp trong tôi, quãng thời gian xuôi mình tôi lớn lên tôi đã trao đi nụ cười với tất cả tin yêu khi đón nhận tình thân ấm áp ở một thành phố xa lạ, từng thu mình nuốt nghẹn vào lòng khi nụ cười hồn nhiên kia chẳng bao lâu đã vội vã xác xơ, cố ép mình để kịp mạnh mẽ với giông bão ngoài kia, với những gì người ta gieo rắt lên trái tim mình, có lúc vật vờ lạnh toát nhìn qua lớp kính sấm chớp vằng vệt như muốn xé tan mọi thứ, tạm gác đi những đam mê tuổi trẻ, hàng ngày hụt hơi chạy đi dạy kèm, vật vã chịu đựng mùi khói thuốc ở quán cafe với đồng lương ít ỏi, sống một cuộc đời lầm lũi chẳng bằng ai, cũng đã từng ghen tỵ với ai đó, khát khao đến khẩn cầu một buổi cuối tuần thư thả đừng giọt nước mắt nào nhẫn tâm lăn dài trên đôi gò má với mớ ngổn ngang, chằng chịt tranh đấu trong lòng,...và từng chậm rãi nhặt nhạnh lại niềm tin nơi bản thân. Cám ơn một thời lướt qua trong cuộc đời tôi với những hỉ, nộ, ái,ố trên trần ai mà tôi đã thật thà bước đi..

* Nhìn lại để mỉm cười

Dường như mỗi cuối năm, tâm trạng lại lắng xuống, thúc giục lòng người tìm về nơi chốn yên bình vẫn luôn tồn tại đâu đó trong tim, thế là tô...