6 tháng 12, 2019

* Vội ký

Hai hoàng tử bé B và M của mẹ.

NHỮNG NGÀY NẰM VIỆN
Sau mổ, khi thuốc tê hết tác dụng, tôi không biết mình phải xoay xở thế nào nếu không có người thân bên cạnh vì vết mổ đau không diễn tả nổi, chỉ nhích chân lên cũng đến nghẹt thở. Và chính những ngày chịu đau đớn đó, tôi mới hiểu thấm mình nên sống thế nào. Con người sinh ra thôi cũng đủ khổ với sinh lão bệnh tử rồi, việc gì phải toan tính ghim guốc với nhau làm chi nữa. Hãy nghĩ đến lúc họ cũng chịu đau đớn giống mình lúc này mà sống hãy thương một chút, san sẻ một chút, tình làng nghĩa xóm thêm một chút, những lúc đau đớn như vậy họ cần biết bao một chút san sẻ, một cánh tay chìa ra dìu giùm vài bước đi, hay đơn giản lấy giúp khăn giấy, cốc nước.
Hoàng tử bé B và M


NGÀY 25.11.2019
Đó là ngày đầu tiên chào đón M chào đời về nhà. Ngôi nhà tôi ở bao năm nay vẫn thế thôi nhưng vừa bước xuống taxi, nhìn vào cảnh sân nhà thì một cảm giác sảng khoải và mới mẻ chợt lùa tới tràn ngập trong lòng. Ngôi nhà cũ kỹ theo thời gian trôi vẫn luôn mang lại cho tôi những cảm xúc không hề nhàm chán. Mẹ tôi đã dọn dẹp tươm tất. Tôi thầm cám ơn mẹ!
Chỉ khác là căn phòng hàng ngày vẫn mở cửa chào đón nắng mưa nay được mẹ khép kín cho hai mẹ con sau sinh, khung kệ gỗ cũng thay đổi theo những mốc thời gian được thế bằng những vật dụng khác thay vì một cành hoa và một cuốn sách đọc lở dở.


Pre đón con trai lớn đi nhà trẻ về trong bộ quần tây-áo sơ mi trắng, trước giờ tôi vẫn luôn thíchh anh mặc chiếc áo sơ mi trắng như vậy.

Hoàng tử bé 27 tháng tuổi của tôi nói : “Mẹ ăn bầu có sữa em bú”.
Hoàng tử bé M
Hoàng tử bé M


SÁNG SỚM NGÀY 26.11.2019
Tôi trong phòng cho con bú sữa, ngoài phòng sinh hoạt chung của gia đình nghe chồng và con trai lớn nói chuyện mà hạnh phúc ngập tràn. Có thêm một đứa con nữa thật tuyệt.
*
Dù vết mổ vẫn con đau, nhưng lần này tôi vẫn cố gắng tự mình làm mọi việc, không để cho mẹ tôi và em gái phải thức đêm thay tôi như lần sinh trước. Mẹ tôi đã vất vả cả ngày rồi.



TỐI NGÀY 27.11.2019
Sau khi lo cho M ngủ cũng đã nửa đêm thấm mệt, tôi bước từng bước chậm chạm ra tới giường của B, nhìn hoàng tử bé ngày nào của tôi nằm ngủ mà nước mắt tôi tuôn đầm đìa, tôi hôn chân, trán và mông con, giờ này đáng lẽ phải được nâng niu, được mẹ ôm ngủ cùng kể chuyện cho nghe nhưng giờ dù con có khóc nhiều đến cỡ nào đi chăng nữa tôi cũng đành đau lòng bất lực, trên tay ẵm em cho bú làm sao để chu toàn.


NGÀY 28.11.2019
Pre, sau 9 ngày về lo cho tôi và con, lại trở vào Sài Gòn, nhìn con tiễn Papa trong mưa, ánh mắt đã biết buồn, biết nhớ. Chuyện của chúng tôi..


Tối đó, B chợt hát những lời mà trước giờ không hát: “ Bố là tất cả bố ơi bố ơi..”


NGÀY 29.11.2019
Mẹ tôi nấu lá xả và lá chanh cho tôi xông. Có mẹ thật tuyệt!
*
Lúc nào em khóc, B cũng nói: “Mẹ ơi, em M khóc kìa”, rồi liền chạy vào canh em, hôn vào tóc và chân của em nhưng B của mẹ vẫn còn nhỏ quá nên tới lúc nhõng nhẽo cũng nhõng nhẽo không khuyên can được.
- Mẹ Nguyệt bỏ em M ra, ra chơi với con
- Mẹ cho em ngủ xong rồi ra chơi với con
- Con hỗng thương em M
Cũng may có em gái bên cạnh nên con chơi rất hăng say cùng em gái, trước giờ em gái vẫn yêu thương và bảo vệ con. Sau này hai anh em lớn lên phải chăm sóc và bảo vệ lại em gái.
B và em gái chơi cùng nhau mỗi chiều đi học về
Em gái của B và M
B và em gái
B và em gái

Hoàng tử bé B của mẹ đã biết tự đi tiểu từ lâu nhưng có lúc đòi mẹ ẵm mới chịu.
- Mẹ Nguyệt ẵm con đi đái.
Tôi ôm hôn con và nói:
- Mẹ bị đau không ẵm con được. Bác sĩ băng lại cho mẹ nè. Con mạnh mẽ lên, con tự đi nha, mẹ lúc nào cũng bên cạnh hỗ trợ con.
Vậy là B của mẹ không đòi ẵm nữa, cầm tay mẹ để mẹ dắt đi.


NGÀY 30.11.2019
Ngày nay, hoàng tử bé M của mẹ rụng rốn. Mẹ Nguyệt đem cất vào hộp kỷ niệm.
*
Trưa, B ngồi hát một mình sau chài, thấy mẹ ra B nắm tay mẹ: “Mẹ ngồi với B đi mẹ”
Rồi trong nét hồn nhiên non nớt B lại nói:
- Mẹ ơi, con hay bị té “nắm”, té nước mưa, ướt quần.
Nghe con nhỏ tâm sự mà vừa thấy thương quá vừa thấy xót. Tôi ôm con vào lòng dặn dò mà nước mắt chợt rơi.


NGÀY 01.12.2019
Hôm nay, vết mổ dần hồi phục, tôi không còn cảm thấy đau nhiều khi thay đổi tư thế nữa, sữa cũng đủ cho con bú và rút kinh nghiệm từ lần đầu sinh nên tinh thần thoải mái hơn. Sau khi con trai nhỏ của tôi say giấc, tôi gọi con trai lớn:
- B vào nệm nằm với mẹ, mẹ ôm con miếng, mẹ nhớ con quá.
Con trai lớn lẽo đẽo theo tôi rồi trèo lên nệm, tôi âu yếm ôm con như đã bao ngày xa cách.
- Mẹ nhớ con quá. Con thương mẹ không ?
- B thương mẹ. Khi nào mẹ bớt bệnh ẵm con.
Nghe con nói mà xót xa như đứt cả ruột gan.
- Mẹ hết bệnh sẽ ẵm con. Mẹ lúc nào cũng yêu con. Mẹ xin lỗi vì đã bỏ bê con nhưng tối nào con ngủ mẹ cũng ôm và nằm bên cạnh con một lát, con biết không.
- Dạ. Mẹ ơi, mẹ khóc hẻ ?


NGÀY 02.12.2019
Hoàng tử bé dạo này làm biếng ăn cơm, ho cũng không chịu uống chanh chưng mật ong ngon lành như trước nữa. Bà Ngoại chưng chanh-mật ong cho uống, B lại nói:"Con bớt bịnh rồi mà".
Tôi ngồi ráp hình cùng con và hỏi:
- Con lân nhỏ yêu dấu của mẹ, sao dạo này con không chịu ăn cơm gì hết vậy, con đang ho cũng không uống thuốc, uống thuốc mới bớt bịnh chứ.
 B vừa cười e dè vừa nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con thích ăn kẹo mút “nắm”.
- Ăn nhiều không tốt cho sức khoẻ. Mai mẹ mua nhưng chỉ một cây thôi.
- Hai ba cây* con vừa nói vừa nhìn nét mặt mẹ xem mẹ có đồng ý không, dễ thương ghê nhưng mẹ phải làm sao với con đây ?


NGÀY 03.12.2019
Em gái biết con thích ăn kẹo mút nên mỗi chiều đi học về đều giấu mẹ mua cho con. Hôm nay, em gái đi học về, thấy không có gì nên con hỏi: “Có mua gì không em gái?”


NGÀY 04.12.2019
Mẹ đang lo cho em thì bỗng ngoài phòng bếp B khóc và gọi mẹ liên tục:
- Mẹ Nguyệt ơi, B khóc, mẹ Nguyệt.
Những lần trước B khóc đòi mẹ, mẹ đành nhẫn tâm nuốt vào trong để con mạnh mẽ và tự lập nhưng lần này nghe con vừa khóc vừa gọi: “ Mẹ Nguyệt ơi, B khóc, mẹ Nguyệt” thì mẹ không thể ngồi yên thêm nữa, mẹ chạy ra ôm con, xem có có bị sao không. Những lúc như vậy mới thấu hiểu được tình mẹ con là như thế nào, không thể diễn tả được đâu.


NGÀY 05.12.2019
B của mẹ đã bắt đầu ý thức được mình phải ngủ với bà ngoại nên tối ngủ không còn khóc đòi mẹ nữa, tuy nhiên nửa đêm nhớ mẹ vẫn gọi “mẹ Nguyệt ơi”.

B hôm nay đã ra dáng anh trai rồi. Lúc em thức dậy con là người đầu tiên lên tiếng: “Em dậy kìa, con vào thăm em”, chạy vào hôn lên tóc em thật nhiều, “em ỉa hả mẹ, con lấy tã cho em”, rồi tựa lưng vào gối trên băng ghế dài bên cạnh, nằm hát nghêu ngao đợi mẹ.

NGÀY 06.12.2019
Sáng nay trước khi đi học bà ngoại dặn:
- Con lên trường mang tất luôn nha, trời lạnh lắm, đừng cởi ra bỏ trong cặp giống chiều hôm qua nữa nha, nghe ngoại dặn không.
- Con mang tất mà, đi đái sợ ướt tất, nói cô Linh cởi bỏ cặp.
- Khi nào con đi tiểu nhờ cô gỡ tất ra giùm, đi tiểu xong nhờ cô mang lại rồi cám ơn cô nha.
- Dạ
Dạo này nghỉ sinh ở nhà, chiều nào cũng trông tới giờ hoàng tử bé B của mẹ đi học về, tò mò không biết bộ dạng con chiều nay thế nào? Hoàng tử bé B của mẹ, sáng nào đi học cũng trong trong bộ đồ áo sơ mi - quần kaki lịch sự, buổi trưa ngủ và chiều về được cô giáo chăm sạch sẽ, thay cho đồ bộ có lúc nhìn rất đáng yêu lẫn buồn cười. Chiều nào con về mẹ cũng ôm hôn con với niềm vui lẫn nhớ nhung.


Hoàng tử bé M của mẹ, tối nào mẹ cũng thầm trò chuyện cùng con, nhìn nét ngây thơ còn non yếu của con mà mẹ thương quá chừng. Chăm con cả đêm, có lúc mẹ chẳng còn sức lực lại thêm việc dạy dỗ anh hai có lúc gặp những vấn đề khó khăn, mẹ nhắn tin với papa con rằng:
- Dạy con thấy khó quá, nuông chiều thì sợ con hư, dùng biện pháp mạnh thì lại đau lòng. Mình có nên dùng biện pháp đánh đòn con không?
- Có gì chịu khó nói con nghe, con hiểu chuyện mà.
- Vậy không dùng biện pháp đó.
Mẹ đã tạo ra hai con trên cõi đời này, mẹ sẽ cố gắng trang bị cho hai con kỹ năng sống, kỹ năng phát triển bản thân để hai con có đủ bản lĩnh đối mặt vượt qua và trải nghiệm với cuộc đời, sống an vui đi hết kiếp này. Mẹ sẽ không nghĩ đến áp lực hay chán nản mỗi khi gặp vấn đề mà sẽ xem đó như thử thách và niềm vui, biến mọi điều trở thành niềm vui.
Hoàng tử bé M
Hoàng tử bé M

26 tháng 8, 2019

* Thật!

Hoàng tử bé 21 tháng.
Chiều tôi đi làm về, hoàng tử bé chạy ra cười mừng rỡ và ríu rít giọng non nớt: "Mẹ về rồi nè, mẹ Nguyệt làm về rồi". Tôi ngạc nhiên vỡ òa, tôi không nghĩ hoàng tử bé có thể nói thành câu và nói được những lời lẽ như vậy. Nếu không có con thì làm sao tôi biết được trên đời này lại tồn tại kiểu hạnh phúc đặc biệt này, một hạnh phúc không giống bất cứ gì mà tôi đã nhận được, kể cả lúc tôi được Pre nói lời yêu đầu tiên và hỏi cưới. Tôi hiểu ra, sinh con và nuôi dạy con không phải là trách nhiệm mà là một đặc ân mà trời đã ưu ái dành cho mình. Tôi không muốn mình tạo áp lực lên con bằng việc ép con trở thành một người hoàn hảo - một điều vô lý trên đời, cũng không phải thờ phượng nối dõi, không phải mục đích về già có chỗ dựa...; chỉ cần được nhìn con lớn lên và thay đổi theo từng ngày như thế này, ríu rít giọng điệu non nớt "mẹ ơi, ... rồi mẹ ơi" , tôi đã cám ơn con biết bao nhiêu vì đã đến thế gian này bên cạnh tôi. Điều tôi mong ở con là có thể trải nghiệm trọn vẹn cuộc nhất cuộc sống này.

Hoàng tử bé 23 tháng, chiều mẹ đi làm về, đã không còn khóc nhõng nhẽo đòi ẵm liền nữa:" Mẹ ra tắm đi mẹ", rồi tiếp tục trò chơi sửa xe.

Tôi và Pre đang tạm thời xa nhau, đôi lúc, nhìn người ta cưới nhau và bên nhau sao thấy thật hiển nhiên và dễ dàng đến vậy, còn tôi và anh thì đó lại là những ngóng đợi. Tuy nhiên, chúng tôi có niềm tin và sự làm chủ nhất định cần thiết đủ để yêu nhau nhiều hơn.

Pre không hẳn gọi là ít nói nhưng là người ít muốn thể hiện, lúc nào cũng bảo tôi: "Nói thì người nào nói chả tốt, ai nói cũng hay hết thì nói và đôi co để làm gì." Cũng chính vì điều này mà có lúc chúng tôi lại giận hờn nhau bởi những bất an trong lòng và lo lắng cho người kia. Chỉ khi thật sự cần thiết Pre mới nói ra những suy nghĩ và tình cảm trong lòng. Tôi muốn nơi góc nhỏ bình yên này lưu giữ giùm tôi những tháng năm sâu đậm và đầy khó khăn thử thách này:
" Vợ đừng gây chuyện. Trên từng Km khi chạy đi làm, chồng luôn nghĩ về vợ con và luôn mỉm cười hạnh phúc."
" Thôi chồng xin lỗi. Dù sao hai đứa mình có hai đứa con là hạnh phúc nhất trên đời. Cu B là điều tuyệt diệu nhất đối với anh. Anh yêu B lắm."
" Nhiều nhất" *
" Gạt qua nỗi nhớ vợ con, ..."
" Nhớ con quá. Mỗi lần nghĩ về con thì đó là động lực để chồng cố gắng"
Để sau này nhớ về, để đọc và khắc ghi.

Trước kia, tôi cũng từng đọc tiểu thuyết, xem những bộ phim lãng mạn nhưng giờ mới nhận ra một điều: Chỉ có bản thân mình mới là thật, những buồn vui nhớ nhung, những điều bình dị nhất của hiện tại mới là thật, những cảm xúc và hy sinh của Pre dành cho tôi và con mới là thật. Khi xem lại đoạn clip kỷ niệm của cha con, tôi mới ngộ ra vì sao tôi đã trách móc anh ấy như vậy. Pre sống rất thật, hành động và im lặng chịu đựng mọi mỏi mệt.

25 tháng 8, 2019

* Sinh con.

Tôi có từng hỏi Pre: " Vì sao anh lại yêu em vậy?"
Pre đáp: " Yêu là yêu, sao trả lời được"
Mấy ngày sau tôi có nhắn lại với anh ấy: " Em yêu anh bởi chính con người anh, chỉ có em mới hiểu và trân trọng những điều đó ở anh."
Pre không phải là đẹp trai, không giàu có, không xuất chúng nhưng với tôi thì từng đường nét trên khuôn mày anh ấy là đẹp nhất, quyến luyến nhất.


M có hỏi tôi rằng có thể nàng ấy chưa gặp được người mình đủ tin tưởng để cùng  nhau sinh con phải không?
DN không thể trả lời sao cho đủ đúng đắn vì ở trái tim mỗi người và những thăng trầm mà hai người đã cùng nhau trải qua.
Đến giờ phút này, DN có thể mạnh dạn nói ra với M lời trong sâu thẳm nhất của lòng mình: DN nguyện ý và khao khát được sinh con cho anh ấy, chỉ duy nhất anh ấy mà không phải là một người nào khác.

P/s: Hôm qua khi ngồi một mình bên cửa sổ và nghĩ tới những lời M nói, DN tự dưng muốn chụp một tấm hình kỷ niệm khi mang bầu, đó là quãng thời gian vừa lo lắng nguyện cầu vừa thiêng liêng nhất giữa mẹ và con. Lần trước vì nghe mọi người nói kiêng kị nên DN không có chụp, giờ thấy có chút tiếc.

15 tháng 8, 2019

* Về đến cổng

Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Làm về đến cổng đã thấy tràn đầy sức sống dù đã là chiều tan, liền bắt tay vào làm một việc mà bản thân cảm thấy hạnh phúc. ~ Gởi tới Pre.


30 tháng 6, 2019

* Đã vừa có những chiều nóng gió

Mỗi buổi chiều dắt con trai đi dạo, tôi thường đọc cho con nghe những bài thơ và trò chuyện cùng con, chịu khó lặp đi lặp lại chỉ con điều này điều kia. Có lúc, tôi đem theo máy nghe nhạc mà Pre mua cho con vì không muốn con tiếp xúc với sóng điện thoại, lúc đó là tôi cần một khoảng lặng, cũng may con trai của tôi cũng thích nghe nhạc không lời và ngắm cảnh trên chiếc xe đẩy cùng tôi im lặng như thế.

Trong tôi vẫn đang ngự trị một nỗi buồn vô định, những nỗi lo âu, những dự liệu, nghĩ đến sự việc bạt bẽo của ta và lòng người, và cả sự trống trải, chờ đợi, nỗi nhớ, có những phút xây xẩm nhưng vẫn cố gắng vững vàng cùng con trai, khi mấy lúc như vậy, tôi tự động viên bản thân bằng những nụ cười thật tươi thả vào thinh không thì dường như cả tinh thần và sức lực lại về.

Chiều buông xuống, gió chiều nổi nhẹ xua đi cái nóng oi bức vào những ngày trời thế này giống như lòng tôi vẫn luôn từng chút vượt lên từng ngày.

P/s: Con trai của tôi, thường hay trả lời câu hỏi của tôi: " B có thương mẹ không?" rằng là "Không- rồi cười nghịch sau chữ trả lời đó", vậy mà, vào lúc đặc biệt, cũng cùng một câu hỏi, hiếm hoi đã đáp lại ngoài mong đợi: " B thương mẹ".

23 tháng 6, 2019

* Lúc 19 tháng

Bà ngoại mua về củ lang vừa bự vừa dài nên sau khi nấu chín, bà ngoại cắt dọc thành 4 phần nhỏ, hoàng tử bé trước khi cầm ăn thì bật to: "Ăn cá". Con trai của mẹ không hề sai, hình khoai lang cắt dọc nhìn rất giống một con cá. Con đã lưu giữ khá được nhận thức nguyên mảng vào bộ não của con.

20 tháng 6, 2019

* Viết về Bà Ngoại

Nếu ai có hỏi tôi: Người mà tôi tôn kính nhất là ai ?
Tôi sẽ trả lời: Là Bà Ngoại.

Không phải là gì ghê gớm hay hiển hách, lẫy lừng, tôi tôn kính bà từ những điều giản dị, bình thường. Suốt dòng chảy cuộc đời của tôi, tôi chỉ hay nghe Bà nói những câu từ rất giản đơn, những điều mà ai cũng nghe, ai cũng biết, những điều hiển nhiên nhưng không có nghĩa ai cũng thấm nhuần. Chỉ khi bạn sống chậm thì những điều tưởng chừng ai cũng biết đó mới thật sự ý nghĩa và to lớn.

Bà Ngoại của tôi đã sống trọn vẹn một cuộc đời trong sạch và yêu chồng đến phút cuối. Tuy Ông Bà của tôi đã lớn tuổi nhưng vẫn luôn xưng hô với nhau là "anh" và "em", cũng chưa từng ngủ riêng. Bà lo cho Ông từng miếng cơm, biết Ông tôi tính tình hiền lành, chững chạc, ăn uống từ tốn, sợ Ông đói nên Bà yêu thương gắp cho Ông tôi từng muỗng thức ăn. Còn Ông tôi, vì Bà khó ngủ nên mỗi tối ngồi tựa vào tường xoa bóp chân cho Bà có khi cả vài tiếng đồng hồ đến khi bà chìm vào giấc ngủ.

Bà đã xem ngôi nhà chồng mà Cố tôi để lại như một phần linh hồn của mình, cũng chính vì vậy Bà được xem như máu mủ ruột thịt nơi đại gia đình nhà chồng. Mỗi lần vào nhà Bà Sáu - em ruột của Ông Ngoại tôi- thấy tấm chân dung thời còn trẻ của Bà tôi được treo trang nghiêm thì tôi rất tự hào về Bà, Bà được em chồng mình mến trọng hết mực, tôi cũng chưa bao giờ nghe em chồng của Bà Ngoại cãi vã hay nói những lời không phải phép với Bà Ngoại tôi. Ở Bà có một nét gì đó rất riêng, ăn nói đâu ra đó, có lập luận rõ ràng và chính trực, tính tình và lời nói ngay thẳng mà không mích lòng ai và cũng không ai có thể ức hiếp hay vô lễ với Bà.

Có những lần trên ô tô ra sân bay, Bà Ngoại hay đọc câu này:
" Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đi tu"

Hay có lần, tôi ngồi uống cà phê ở phòng khách, Bà Ngoại ngồi ở phòng sinh hoạt chung của gia đình nói chuyện với hàng xóm, tôi nghe bà nói rằng Bà không có đi chùa gì nhiều nhưng từ lúc trẻ tới giờ bà còn nhớ được và tâm niệm mười hai câu này:
"Hãy quên đi những gì trong quá khứ,
Sống ở đời nên tha thứ cho nhau,
Đừng nhìn lại những nỗi đau tâm khảm,
Cuộc đời này ai bảo đảm đúng sai.

Tự xét mình xem người rồi ngẫm lại,
Mình cũng sai chớ trách ai chi vội,
Cuộc sống này có ai chưa mắc lỗi,
Tự thân mình cũng thay đổi nào hay.

Đừng oán hận cho đêm ngày thức trắng,
Khổ cho đời mãi lo lắng không nguôi,
Oán hận kia hãy chôn vùi mãi mãi,
Để cuộc đời sống mãi với niềm vui."
*****
Sau ngày Sài Gòn sụp đổ, một tay bà gầy dựng lại và lo cho những người con của mình nhà cửa, gia đình ổn định, có nợ nần gì Bà cũng chi tiêu đâu ra đấy, lo trả cho người ta trước để đêm ngủ chẳng bất an.

Mỗi lần quét vườn cây xong, Bà tôi hay nhắc nhở tôi rằng:"Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Chỉ cần nhà cửa sạch sẽ thì ăn cơm với hạt muối cũng thấy ngon. Nhà sạch sẽ thì chẳng cần gì cao sang cũng thấy tinh thần thoải mái, mát dạ".
Bà đã thể hiện quan điểm đó rất rõ ràng: Dù Bà chỉ ở nhà Cố có một ngày nữa rồi sang Nhật thì bà cũng dọn dẹp vườn tược sạch sẽ như là sẽ ở lâu dài nên mỗi lần bà sang Nhật thì luôn để lại một sự tươm tất, chẳng vì để ai nhìn vào, chẳng vì lí do gì, chỉ vì đơn giản bà là như vậy, chỉ cần bà cảm thấy hài lòng là đủ, sống trọn vẹn và hành động.

**********

Tôi lớn lên, tôi trải qua, có lúc tôi than phiền nhưng nhờ những điều giản dị đời thường vẫn còn lưu lại trong kí ức của tôi về Bà mà tôi nhận ra là đã từ khi nào tôi học được từ Bà một giá trị: "Sống mệt nhưng không khổ."
...từ câu chuyện quét vườn ấy, bởi tôi thấy sau mỗi lần quét vườn và chăm lo nhà cửa sạch sẽ, nhìn bà thấm đẫm mồ hôi và sự vất vả nhưng bà lại nhoẻn miệng cười hài lòng.

P/s:
ღ Khi được ở gần Bà, mỗi buổi sáng thức dậy thật thoải mái với bữa ăn sáng gia đình thanh thản, lúc nào cũng có sẵn cà phê sau bữa ăn mà bà pha sẵn cho tôi một ly, ông một ly và những thành viên đăng ký. Thưởng thức cà phê tại bàn ăn ở bếp sau bữa sáng và ngắm vườn cây thích thú hơn nhiều so với việc ra quán. Sau đó, theo thói quen, Ông ngồi nhâm nhi bình trà nóng như thường nhật. Giờ Ông tôi đã không còn.., nhưng Bà vẫn giữ thói quen như xưa cũ, sáng nào cũng dậy sớm hơn tôi, làm những việc bình dị và pha cho Ông tôi một bình trà nóng và một ly cà phê... đều đặn.

ღ Không chỉ là vậy, Bà còn lo đến cả cháu Cố là con trai tôi và Xị Nắng. Nhìn hình ảnh Bà qua màn hình vi tính, thấy bà giơ cái này, cái nọ mua cho cháu Cố từ chiếc khăn tay cho con trai tôi đi nhà trẻ...
mà tôi thầm cảm ơn cuộc đời này vì tôi là cháu của Ông Bà.

Ông Bà tôi có những mối quan hệ xui gia có thể không giàu nhưng tôn quý, tôi chưa từng nghe Bà nói những điều không phải về xui gia mình, Bà gìn giữ những mối quan hệ đặc biệt này trong sạch và tôn trọng từ cử chỉ, lời nói đến tấm lòng.



30 tháng 5, 2019

* Góc nhỏ yên tĩnh của tôi

Sáng có thể thức dậy trong ngôi nhà này với tiếng chim líu lo, bướm bay đầy sân, đó đã là một niềm diễm phúc và phúc phần đối với tôi. Tôi rất thích được ngồi tựa mình bên khung cửa sổ để đọc chậm rãi một cuốn sách, có gió mát rượi giữa ngày hè mà không phải ngửi mùi của máy điều hòa, đôi khi tôi nghe người ta nói rằng à nhỏ này, thằng kia mới mua miếng đất mấy tỉ, cất nhà lầu, còn tôi, tôi hiểu giá trị hạnh phúc của cuộc đời mình. Mỗi lần nhìn ra khung cửa, tôi lại có sự tiếc nhớ vô bờ, là hồ cá với hòn non bộ mang nét cổ xưa đã lâu năm thiếu bàn tay chăm sóc của ông ngoại giờ chỉ còn những rong rêu hoang úa.

Tôi nhớ, thỉnh thoảng, buổi tối khi tôi còn chưa chìm vào giấc ngủ sâu, ông ngoại hay ghé tới hôn vào đôi bàn chân tôi và khõ vào trán tôi nói:"lì lợm". Tôi đã mãi chẳng còn là cô bé, tôi đang mang trong mình đứa con thứ hai mà những lúc như thế này tôi lại thấy thời gian là một thứ kì lạ.

Đối với tôi, không phải là nhà cửa cố tình xây cất, trang thờ lộng lẫy rồi giam cầm tư tưởng, ép con cái mình ở nơi này nơi nọ theo ý mình. Nhà từ đường là nơi có những kỉ niệm và sự gắn bó thiêng liêng đặc biệt, có cả niềm khắc khoải khi nghĩ về thì dù chỉ là một mái ngói liêu xiêu cũng được gọi là nhà từ đường để chân tâm giữ gìn.


* Nhìn lại để mỉm cười

Dường như mỗi cuối năm, tâm trạng lại lắng xuống, thúc giục lòng người tìm về nơi chốn yên bình vẫn luôn tồn tại đâu đó trong tim, thế là tô...